Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Chuyên khoa Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có 10 năm kinh nghiệm về chuyên ngành mắt.
Giác mạc là phần dễ bị tổn thương nhất ở vùng mắt. Chỉ cần tiếp xúc với bụi, đất, cát thậm chí mép một tờ giấy có thể gây bong giác mạc hoặc rách giác mạc. Trong một số trường hợp xước giác mạc bị nhiễm khuẩn và gây ra loét giác mạc dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng nếu không sơ cứu đúng cách, cấp cứu kịp thời.
1. Rách giác mạc
1.1. Định nghĩa
Chấn thương rách giác mạc là một trong những tổn thương nặng của mắt. Do đó việc xử lý khâu giác mạc và điều trị sau đó đòi hỏi phải hết sức tích cực, chặt chẽ, kỹ lưỡng. Việc xử trí rách giác mạc nếu không tốt sẽ dẫn đến hậu quả xấu cho bệnh nhân mà cụ thể là có thể dẫn đến thị lực bị mất hoàn toàn. Sự hồi phục của mắt có thể phụ thuộc vào vị trí vết rách giác mạc, mức độ, nguyên nhân gây rách giác mạc... Tất cả các yếu tố trên làm cho việc nhận định vết thương rách giác mạc trở nên khó khăn.
1.2. Nguyên nhân và điều trị
Nếu mắt của bệnh nhân vẫn còn bị đỏ dù vết rách giác mạc đã lành có thể do nguyên nhân tổn thương viêm giác mạc mắt vẫn còn. Ngoài ra còn vì rách giác mạc thường kèm theo nhiều tổn thương nội nhãn khác nên gây đỏ mắt.
Đối với chấn thương đụng dập gây ra các tổn thương cho mắt và các bộ phận quanh mắt như: tụ máu, bầm mi mắt, hốc mắt, chảy máu trong mắt: xuất huyết kết mạc, xuất huyết tiền phòng, pha lê thể, võng mạc...; tổn thương các tổ chức của mắt như: thể thủy tinh, võng mạc, thần kinh thị...; cần xử trí đúng bằng cách sử dụng băng che mắt lại rồi đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để được khám và điều trị.
Trong trường hợp chấn thương xuyên thủng, đây có thể được xem là nguyên nhân gây ra rách giác mạc và chảy máu nhiều. Vì vậy điều đầu tiên cần phải cầm máu ngay, có thể sử dụng kháng sinh nhỏ mắt thông dụng như chloramphenicol. Tra pomade kháng sinh và băng mắt lại, sau đó đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để được khâu và điều trị vết thương do rách giác mạc.
Thường thì vết rách giác mạc sau khi khâu sẽ lành sau khoảng một tháng. Tuy nhiên, giác mạc sau đó có thể ổn định lành sẹo nhưng cũng có thể viêm giác mạc mắt tái phát hoặc tiến tới loạn dưỡng giác mạc làm thị lực giảm trầm trọng. Do đó bệnh nhân cần phải tiếp tục theo dõi điều trị để kịp thời xử lý những biến chứng có thể xảy ra.
1.3. Phòng ngừa
Trong sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân cần tránh rách giác mạc như tránh bị va chạm vào mắt hoặc nước dơ bẩn, bụi bặm vào mắt. Bởi mắt của bệnh nhân khi đã bị rách giác mạc hiện rất dễ bị nhiễm trùng. Cách tốt nhất để tránh rách giác mạc là bệnh nhân nên đeo kính bảo hộ liên tục trong một thời gian dài.
2. Bong giác mạc
2.1. Định nghĩa
Bong giác mạc hay còn gọi là trầy xước giác mạc hoặc biểu mô giác mạc bị chợt. Bong giác mạc là tình trạng xuất hiện vết trầy trên bề mặt giác mạc do dị vật gây ra. Giác mạc là lớp thủy dịch trong suốt nằm ngoài cùng của nhãn cầu, có vai trò như “tấm chắn” bảo vệ, đồng thời kết hợp với thủy tinh thể và đồng tử tập trung ánh sáng từ hình ảnh truyền đến võng mạc bên trong nhãn cầu. Những dị vật như bụi, hạt cát, côn trùng nhỏ,... có thể bay vào mắt và dính hoặc bám lại trên giác mạc. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể là nguy cơ dẫn đến bong giác mạc gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn.
2.2. Nguyên nhân và điều trị
Bong giác mạc có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và trong bất kỳ hoạt động thường ngày như vận động, đi đường, sửa chữa hoặc thậm chí vô tình chạm mạnh tay vào giác mạc.Có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bong giác mạc bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Khi dị vật như bụi, hạt cát bám lâu ở mí mắt có thể gây ra vết trầy ở giác mạc khi bạn chớp mắt. Khói thuốc lá, đeo kính áp tròng trong một thời gian dài, chà xát mắt hoặc khô mắt kéo dài có thể gây ra bong giác mạc.
Trước khi chọn phương pháp điều trị, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách quan sát mắt nhờ dụng cụ chuyên khoa đặc biệt. Người bệnh có thể cần dùng thuốc nhỏ mắt có chứa màu nhuộm sinh học, điều này giúp bác sĩ xem xét vết tổn thương ở giác mạc dễ dàng và chính xác hơn.
Khi xác định được những tổn thương mắt và loại dị vật gây bong giác mạc, bác sĩ Nhãn khoa có thể đưa ra phương pháp điều trị và xử lý phù hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ có thành phần steroid hoặc kháng viêm không kháng sinh để giảm sưng, viêm và phòng ngừa sẹo giác mạc.
Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc uống để giảm đau và giảm kích ứng. Trường hợp bị găm sâu vào mắt có thể cần sử dụng đến phương pháp phẫu thuật.
2.3. Phòng ngừa
Hậu quả do bong giác mạc để lại thường là rất nặng nề, ảnh hưởng cả về mặt chức năng thị giác lẫn thẩm mỹ như: giảm thị lực, mù lòa, sẹo xấu trên mắt người bệnh. Những trường hợp bong giác mạc gây mù lòa hoặc không giữ được mắt, phải múc bỏ mắt. Chính vì vậy, việc phòng ngừa chấn thương mắt nói chung và bong giác mạc nói riêng là vô cùng quan trọng.
Đối với trẻ nhỏ cần cẩn thận trông coi, chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Tránh các đồ chơi có vật nhọn như trò bắn cung tên, ném phi tiêu hoặc các đồ chơi nguy hiểm như súng bắn đạn giả.
Hướng dẫn trẻ học cách sử dụng an toàn các vật dụng có thể gây nguy hiểm như bút chì, kéo, dây chun, mắc áo... Để các loại hóa chất tẩy rửa trong gia đình xa tầm với của trẻ nhỏ. Cha mẹ cũng như thầy cô giáo rất cần quan tâm, kịp thời nhắc nhở hướng dẫn trẻ để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với người lớn cần có ý thức đề phòng tai nạn, tránh dụi mắt quá mạnh đề phòng bong giác mạc cho tất cả mọi người, đặc biệt công nhân.
Khi tiếp xúc hóa chất như phun thuốc trừ sâu, làm việc có hóa chất, thợ hàn, thợ tiện, ... cần đeo kính bảo vệ mắt dành cho người lao động, thực hiện tuyệt đối nội quy an toàn lao động.
Sau khi điều trị bong giác mạc người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tái khám theo hẹn hoặc khi có bất thường ở mắt: đau nhức mắt, giảm thị lực, đỏ mắt nhiều hơn cần thông báo cho bác sĩ.
Người bệnh cần ăn đầy đủ chất giúp nâng cao sức khỏe, bổ sung các vitamin A, C và E để mau lành vết thương; ăn thức ăn dễ tiêu, trái cây để tránh bị táo bón dẫn đến tăng áp lực ở mắt chấn thương khi đi đại tiện.